Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 59: Đến La Hiên

Nguyễn Vô Niệm lúc này cũng bất ngờ khi thầy mo lại nói như vậy, chẳng lẽ đám thầy cúng này lại thực sự có thể nhìn thấu tương lai hay sao? Thế nhưng quan trọng là Nông Kính cũng rất tôn trọng những thầy mo, nghe thầy mo nói rằng chư thần không đồng ý với việc xuất binh của hắn Nông Kính liền gật đầu nói.

- Được, như vậy bây giờ ta sẽ không đánh, lệnh cho đám trai tráng trở về buôn làng đi, cấp cho bọn hắn mỗi người một bó lúa đem trở về bảo rằng cố gắng luyện tập võ nghệ, chờ đến năm sau chúng ta sẽ khởi binh báo thù.

Thực tế làm gì có ai có thể kết nối được với thần linh, ngoại trừ Vô niệm có thể gặp mặt hai âm binh đầu Trâu mặt Ngựa mỗi năm năm một lần ra. Còn những thầy mo kia thực tế là hai già làng sống đã lâu, cực kỳ giỏi xem sắc mặt người khác, bọn hắn rõ ràng nhìn ra được Nông Kính đã có ý động, thế nhưng thiếu một bậc thang để leo xuống, vì vậy bọn hắn mới chiều theo ý của Nông Kính, để về sau Nông Kính còn có thể nói với các buôn làng khác là vì thần linh chưa cho phép xuất binh chứ không phải là vì hắn sợ hãi quân đội của Vương Cao.

Nguyễn Vô Niệm cũng thở phào một hơi, lần đi Hạ Lang lần này coi như đã thành công hơn dự tính, nói chuyện một chút Nguyễn Vô Niệm lại tỏ ý hắn sẽ lập tức trở về kinh trong giờ chiều, Nông Kính nghe vậy có chút không nỡ nói.

- Người anh em tộc Kinh, ngươi nên ở đây với bọn ta thêm mấy ngày nữa để bọn ta tận tình tiếp đãi, ngươi xem ngươi đem lên miền ngược này bao nhiêu thứ, trong khi bọn ta mới tiếp đãi ngươi còn chưa được một ngày, như vậy làm sao trọn được tình nghĩa.

Thực sự Nguyễn Vô Niệm đã hoàn toàn chiếm được tình cảm của không chỉ Nông Kính mà còn là tất cả người dân trong châu thành này, người này không chỉ đối đãi với bọn hắn chân thành, mà còn đem đến đồ sắt, nông cụ, vũ khí và đặc biệt là muối ăn lên cho bọn hắn. Một người miền xuôi không chỉ giỏi nói tiếng Tày - Nùng mà còn hiểu văn hoá bọn hắn như vậy giờ nghe Vô Niệm đã muốn đi bọn hắn liền cảm thấy là do mình đã tiếp đãi không chu đáo.

Vô Niệm đương nhiên cũng cảm nhận được tình cảm này, hắn vỗ vỗ tay Nông Kính nói.

- Người anh em Nùng đừng nói vậy, các anh em đều đã tiếp đãi ta rất nhiệt tình. Chỉ là trên người ta mang quân lệnh cần phải trở về báo cáo, huống chi ở Đông kinh cũng còn nhiều việc còn đang chờ ta. Chỉ là người anh em Nùng đừng lo lắng, chúng ta sẽ còn gặp lại, sang năm ta nhất định sẽ lên đây để cùng với những người anh em Tày - Nùng giết bọn Đàm Khoan để báo thù.

- Cảm ơn, cảm ơn người anh em.

Nông Kính xúc động nói, lại suy nghĩ một chút, Nông Kính bảo Vô niệm chờ đợi, hắn đi vào bên trong nhà lát sau liền lấy ra hai cuốn sổ đưa cho Vô Niệm nói.

- Đây là sổ sách của châu Hạ Lang mà ta lấy được, còn đây là sổ sách của một động trên phía thượng nguồn sông đã đầu nhập vào châu thành của ta. Nay ta trao cho người anh em mang về dâng lên cho hoàng đế Đại Việt, nói rằng Nông Kính ta đồng ý đầu nhập vào Đại Việt, xin dâng thêm một động để làm lễ.

Nguyễn Vô Niệm không khỏi bất ngờ, không ngờ lúc này Nông Kính lại gửi lời xin phong, nhưng đồng thời cũng là đưa một cái công lao cho Vô Niệm. Phải biết chỉ cần Nông Kính dâng lên cái động này thì hắn đã có thể trở thành Phòng ngự quan của châu Hạ Lang từ sớm, thế nhưng hắn một mực không đưa lên mà giữ làm đường lui cho mình, bây giờ hắn giao thứ này cho Vô Niệm là trao cho Vô Niệm một công lao, cũng là trao cho Vô Niệm con đường lui của hắn để biểu đạt sự tin tưởng của mình đối với những lời hứa của Vô Niệm.

Vô Niệm tiếp nhận lấy hai cuốn sổ sách, đây chính là sự đền đáp của những người Tày - Nùng đối với sự chân thành của hắn, bọn họ thực sự xem Vô Niệm chính là người trong nhà, càng bị Vô Niệm thuyết phục mà đồng ý thật tâm quy phục vào Đại Việt. Vô Niệm gật đầu nói.

- Người anh em yên tâm, trở về ta sẽ tâu báo thực tình với bệ hạ, thánh thượng là người anh minh, tuyệt đối sẽ hiểu nổi lòng của những người anh em Tày - Nùng ở trên này. Cứ yên tâm rằng Việt - Tày - Nùng chúng ta mãi mãi là anh em.

- Mãi mãi là anh em!

Buổi chiều ngày hôm đó, Nguyễn Vô Niệm gọi đám người Đỗ Quân Đao tiếp tục lên đường đi La Hiên, trước khi đi Nông Kính thậm chí còn muốn gửi quà cho bọn hắn là nếp, gà, dê, lợn, để ăn trên đường, thế nhưng Nguyễn Vô Niệm từ chối, các ngươi thấy đội kỵ sĩ cưỡi ngựa nào mà dắt heo chưa? Hắn chỉ xin mấy miếng thịt xông khói để bổ sung năng lượng cho các binh sĩ trên đường, các binh sĩ này lúc này đây đã trở thành tâm phúc của Nguyễn Vô Niệm, hắn quyết định bồi dưỡng những người này trở thành lực lượng đầu tiên của mình.

Từ Hạ Lang đi đến La Hiên cũng phải mất đến hơn hai trăm cây số, đã bằng hai phần ba quãng đường đi từ Đông kinh đến Hạ Lang. Vô Niệm đoán chừng di chuyển sẽ mất một ngày rưỡi, thế nhưng nếu di chuyển nhanh thì chỉ cần mất một ngày đường mà thôi. Vô Niệm vẫn muốn giống như lần đi Hạ Lan, dùng một ngày để đi đến huyện Vũ Nhai, sau khi chỉnh đốn mới đi đến La Hiên, dù sao lần này đến La Hiên hắn vẫn muốn thăm thú dân tình là chính.

Huyện Vũ Nhai thời kỳ Lý, Trần đều gọi là châu Vạn Nhai, đến thời thuộc Minh gọi là huyện Vũ Lễ thuộc phủ Thái Nguyên, sau khi triều Lê được thành lập thì đổi lại thành huyện Vũ Nhai thuộc trấn Thái Nguyên. Vũ Nhai cũng là một huyện ở miền núi giống như châu Hạ Lang, nhưng bởi nằm gần đồng bằng Bắc bộ hơn, vì vậy dân cư cũng đông hơn chừng gấp năm, gấp sáu lần.

Nguyễn Vô Niệm trước khi đi thông qua huynh trưởng cũng đã biết được tình hình của một số xã La Hiên. Theo như quy định của triều đình, La Hiên là một tiểu xã, có chừng hơn 40 suất đinh. Ở đây cũng không phải là một đinh là một người, mà là một suất đinh, tức là người trong độ tuổi lao động, đủ gia nhập quân đội. Do đó cứ cho một hộ có một suất đinh, một gia đình có ba người thì dân cư ở La Hiên cũng phải có chừng 120 người trở lên.

Cho dù có như vậy thì quả thực 200 mẫu ruộng của Nguyễn Vô Niệm tuyệt đối không có, khu vực La Hiên địa hình chủ yếu là đồi thấp, hầu như không có khả năng trồng lúa nước, dân cư ở đây chỉ có thể trồng loại lúa nương năng suất khá thấp, giá trị thực sự không cao. Nhưng không có cách, bọn họ đã không còn kế nào khác để mưu sinh.

Sáng sớm, đoàn người của Nguyễn Vô Niệm đã thay đổi y phục, Nguyễn Vô Niệm lệnh cho đám người Quân Đao đổi chiến giáp thành quần áo thường ngày, cưỡi ngựa đi vào địa hạt của La Hiên. Tại La Hiên cũng giống như Hạ Lang, khắp nơi cảnh tượng cũng đều hiện lên vẻ hoang vu, khắp nơi đều là rừng cây, ở trên các ngọn đồi có lốm đốm những nương rẫy của người dân. La Hiên hiện tại là nơi cư ngụ của một cộng đồng người Tày - Nùng sống bên cạnh nhau, cùng làm lụng. Khi bọn hắn vào đến nơi mà người dân sinh sống, làm việc thì mặt trời đã lên cao rồi.

“Ứ ... ứ noọng nòn... noọng nòn đắc, nòn đí... nòn thả mí pây tồng au pja, pây nà au luổm” (Con ơi! Con ngủ cho ngoan, ngủ ngon để mẹ đi đồng về cho con cá, đi gặt về cho con cào cào, châu chấu con chơi...).

Nguyễn Vô Niệm cưỡi ngựa đi trên đường mòn, chợt một điệu hát ru bằng tiếng Tày - Nùng gây nên sự chú ý của hắn. Nếu những người mẹ Kinh ru con theo một điệu hát êm ả, đầy vẻ cưng nựng con mình, gọi con mình bằng những cái tên mộc mạc, thân thương thì những người mẹ Tày - Nùng trong lời ru lại gắn liền với điều kiện canh tác của mình, vì vậy mà giọng ru âm điệu cao hơn, lại vang hơn, nhưng cũng tràn đầy tình thương của người mẹ. Nguyễn Vô Niệm nhìn những người phụ nữ người Tày - Nùng đang địu con bằng tấm vài hình tam giác thắt chặt vào bên hông người mẹ, trên lưng đứa bé mới chỉ chừng một tuổi vẫn say mê tựa vào lưng mẹ mà ngủ ngon trong lời ru, trong tiếng ca của mẹ.

Những người phụ nữ Tày - Nùng chịu thương chịu khó, hi sinh tất cả vì gia đình mình mà không ngại cực khổ sớm khuya, chồng đi săn, vợ cũng không ở nhà mà địu con đi làm lụng, tất cả cũng chỉ là để gia đình có thể có một cuộc sống sung túc. Nhìn thấy đoàn người ngựa đang chậm rãi đi đến, người phụ nữ không khỏi dừng lại tiếng ru, dù rằng đám người Vô Niệm đổi thành quần áo bình thường, thế nhưng đều cưỡi ngựa, bên hông đeo đao, nàng liền biết những người này e rằng là quan lớn ở dưới xuôi lên, nàng không thể đắc tội được.

====++

Theo cách phân chia hành chính trước cải cách của Hồng Đức thì thì tiểu xã là 10 người trở lên, trung xã là 50 người trở lên, thiết nghĩ nếu như vậy thì quá ít. Lại nhìn cách tính hộ khẩu của triều đình là tính theo đinh, vì vậy tác nghĩ tiểu xã cũng là tính theo đinh chứ không phải theo người, vậy cho dễ viết...