Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 69: Bách tác cục

Lê Nghi Dân cũng thu hồi sắc mặt, thực sự quá lâu mới gặp lại cừu nhân lại dễ bị kích động, hắn lại lần nữa nở ra nụ cười thường thấy vài chào Nguyễn Thị Anh nói.

- Thái hậu quá lời, thân phận làm thần tử, Nghi Dân làm sao dám mơ mộng gì nhiều, chỉ mong có thể làm tiêu dao vương gia suốt kiếp. Hết tháng này Nghi Dân lập tức rời khỏi Đông kinh.

- Tốt nhất là như vậy, Ai gia cũng không hi vọng nhìn thấy ngươi tại Đông kinh một lần nào nữa.

Lần này Nguyễn Thị Anh cũng không hề nể mặt mà trực tiếp đuổi Lê Nghi Dân ra ngoài Đông kinh. Lê Nghi Dân cũng không còn mặt mũi ở lại liền vái chào từ biệt sau đó liền rời khỏi cung thành, mấy ngày sau thì đi khỏi Đông kinh, cũng không biết là đi đâu.

Ngày hôm sau Lê Khắc Xương và Lê Tư Thành mới nghe tin bệ hạ bị ốm lập tức vào cung kiến giá, thế nhưng bị người của Thái hậu cản lại, hai vị vương gia cũng chỉ có thể đi về. Thực tế như vậy càng hợp lòng bọn hắn. Tân Bình vương Lê Khắc Xương bản tính nhát gan sợ việc, không muốn liên luỵ đến triều chính, Bình Nguyên vương Lê Tư Thành lại giấu dốt, thành ra tránh xa hoàng đế lại càng tốt, vì vậy không gặp được hoàng đế bọn hắn cũng thở phào nhẹ nhõm.

Trong khi đó lúc này ở Thượng thư sảnh, các vị đại thần cũng bắt đầu đem chuyện tại Tây Đạo ra để nói. Lê Khang liền đưa hệ thống tản quan mà Nguyễn Vô Niệm ngày hôm qua đã trình bày nói lại một lần, thế nhưng lời vừa nói ra đã vấp phải sự không đồng tình đến từ các quan. Dẫn đầu vẫn là đám đài quan Hà Lật nói.

- Thượng thư lệnh hà cớ gì lại nói như vậy, Đại Việt ta tuy rằng bách phế đãi hưng, thế nhưng cũng không đến mức phải mua quan bán tước. Dù chỉ là chức quan nhàn tản, thế nhưng khi đó ai cũng làm quan, chỉ chăm lo dùng tiền để mua chức thì còn ai đọc sách để thi cử mà cống hiến cho quốc gia.

Bọn học sĩ Nguyễn Như Đổ cũng gật đầu nói.

- Không sai, nếu bây triều đình mở ra một tiền lệ như vậy e rằng sẽ là một điều xấu, sau này quan lại quá nhiều lại hao sức dân.

Nguyên một đám người thực tế nói không vào trọng điểm, thế nhưng bọn hắn rất đông, Lê Ê lại ngồi bất động ở đó không nói gì, Lê Bí cũng thúc thủ vô sách. Lê Khang liền rõ ràng lần này chỉ e kế hoạch này cũng sẽ không được thông qua. Hắn không khỏi thở dài, đúng như La Hiên bá nói, dù hắn có đưa ra kế sách, thế nhưng triều đình cũng không thể nào đồng ý.

Lê Bí nói.

- Như vậy việc này vẫn chưa có biện pháp giải quyết, theo ý ta thì tạm thời giữ các bản tâu lại, để cho các lộ phủ ngừng thi công, để dân chúng trở về làm ruộng, theo ý của các vị đồng liêu như thế nào?

- Đại tư đồ nói phải!

Dừng lại việc đào sông mà bọn hắn cho là hao người tốn của, lời của Lê Bí vô cùng hợp ý của bọn hắn. Lê Khang buồn chán trong lòng, dù hắn không muốn nhưng cũng phải thừa nhận một điều rằng lúc này trong triều đình người tài giỏi thì ít mà kẻ gian manh lại nhiều, kết thành từng phường với nhau dùng đài quan để hặc tội những người mà bọn hắn không thích, ép người tài giỏi phải lánh sang các vị trí nhàn tản, thành ra mỗi lần có đại sự, dù triều thần bàn với nhau thì cũng không thể đưa ra một phương án tốt nào.

Trong khi đó Nguyễn Vô Niệm hoàn toàn không biết rằng bên trong hoàng cung đang tương đối loạn vì bệ hạ ngã bệnh, sáng ngày hôm sau Triệu Quế đi đến La Hiên bá phủ dẫn Nguyễn Vô Niệm vào hoàng thành đi đến Bách tác cục.

Bách tác cục được thành lập từ đầu kỳ triều Lê theo mô hình của Bách Công giám triều Tuỳ. Bách tác cục đứng đầu là Đô giám chịu trách nhiệm đóng thuyền, xe cộ, làm doanh trại, làm đường, khơi đào sông ngòi, chế tác vũ khí giới công thành.

Tại Bách tác cục thợ thủ công phải trải qua một kỳ thi gọi là thi ám tả (chép chính tả), viết chữ và làm toán mới có thể vào được bên trong cục. Đến năm Thái Hoà thứ bảy (1449) những người muốn vào Bách tác cục còn phải thi chính tả và giải nghĩa của Bản kinh và tứ thư, do đó người ở trong Bách tác cục không phải là công tượng mà có thể xem bọn hắn là các “kỹ sư” có học thức, uyên bác trong chính ngành nghề của mình.

Bách tác cục cũng không phải ở cùng một chỗ mà chia ra rất nhiều khu, bởi vì khối lượng công việc bọn hắn có quá nhiều. Hiện tại Triệu Quế dẫn Nguyễn Vô Niệm đi vào Bách tác cục là thuộc khu chế tác khí giới công thành.

- Bác tác cục Đô giám Trình Phổ, bái kiến La Hiên bá.

Đi đến Bác tác cục, Đô giám đã chờ sẵn ở đó, hắn từ ngày hôm qua đã được Đào Biểu thông báo rằng La Hiên bá nhận lệnh bệ hạ đến đây thị sát, cũng như làm nhiệm vụ. Nếu so về phẩm quan, Đô giám cao hơn chức vụ của Nguyễn Vô Niệm nhiều lắm, thế nhưng hắn không dám khinh thị, Đào Biểu đã nói La Hiên bá chính là sủng thần của bệ hạ, đắc tội sẽ không tốt.

- Trình Đô giám quá khách khí, hôm nay mạo muội đến đây, xin làm phiền Đô giám rồi.

Nguyễn Vô Niệm hành lễ xong lại nói, Trình Phổ lập tức xua tay.

- Không dám, không dám, hôm nay La Hiên bá có thể đến thăm đây chính là vinh hạnh của Bách tác cục.

Triệu Quế lúc này mới nói.

- Bẩm La Hiên bá, bệ hạ chỉ lệnh cho nô tài đưa ngài đến đây, như vậy bây giờ nô tài liền trở về để phục mệnh.

- Tạ ơn Triệu nội thị, ở đây ta có chút tấm lòng…

Nói rồi Nguyễn Vô Niệm móc ra từ trong tay áo một túi tiền định nhét vào trong tay của Triệu Quế, thế nhưng biểu cảm của Triệu Quế lúc này cười so với khóc càng thêm khó coi, hắn vội vàng móc ra trong tay áo một đỉnh vàng nói.

- Đâu dám, đâu dám, một chút tấm lòng của nô tài, về sau mong La Hiên bá chiếu cố nhiều hơn.

Nguyễn Vô Niệm sửng sốt, không ngờ nội thị trong cung thật tốt bụng, không những không muốn nhận tiền mà còn cho người khác tiền. Thế nhưng Nguyễn Vô Niệm nào biết rằng nếu Triệu Quế dám nhận tiền từ Nguyễn Vô Niệm hắn tuyệt đối sẽ bị Đào Biểu chặt chân.

Chào từ biệt Triệu Quế, Nguyễn Vô Niệm cùng với Trình Phổ đi vào bên trong Bách tác cục, Trình Phổ nói.

- La Hiên bá có lẽ đã biết ở Bách tác cục là nơi chuyên chế tạo các binh khí, khí giới cho triều đình, có thể nói ở Bách tác cục là nơi tập trung các thợ thủ công tốt nhất, giỏi nhất, lành nghề nhất của Đại Việt. Mỗi người bọn họ không chỉ biết làm thủ công, chế tác mà còn phụ trách cả nghiên cứu, thiết kế ra những thứ mới hay ho theo mệnh lệnh của triều đình và đòi hỏi từ thực tế của chiến trường.

Nguyễn Vô Niệm vừa nghe vừa gật đầu, bình thường tác chiến công thành đoạt đất đại quân không thể mang theo được tất cả khí giới công thành đi, có một số thứ đơn giản thì phải có một đội thợ thủ công đi theo chế tác, hoặc xây dựng các công sự, doanh trại phòng ngự cũng cần đến những đội thợ thủ công này. Nên nói bọn hắn vừa là thợ, vừa là lính cũng không sai.

Nguyễn Vô Niệm nhân lúc này lại dò hỏi.

- Trình Đô giám, không biết hiện tại các ngươi hay đóng các loại tàu nào?

Trình Phổ cũng không giấu giếm mà nói.

- Ngoại trừ các thuyền dành cho bệ hạ đi du ngoạn thì Bách tác cục vẫn chủ yếu phụ trách đóng các tàu chiến, tàu tải lương. Mà phổ biến nhất là thuyền mông đồng, lâu thuyền và các thuyền đinh sắt, bên cạnh đó là các tàu tải lương từ hạng nhẹ đến hạng trung. Không phải khoe nhưng hiện tại thuỷ quân Đại Việt ta có đến hơn hai ngàn chiến thuyền thì đã có đến hơn một nửa là từ Bách tác cục đóng ra được.

Đại Việt hiện tại thuyền chiến rất đông, thuỷ quân hùng hậu với hàng ngàn thuyền chiến đến từ hai nguồn, nguồn thứ nhất là tự đóng được từ bách tác cục, nguồn thứ hai là các thuyền chiến lợi phẩm thu được từ quân Minh, một số ít khác là chiến thuyền của Chiêm Thành. Chỉ là so với những chiến thuyền đáy phẳng mũi cong như Đại minh và Đại Việt, chiến thuyền của người Chiêm Thành lại là đáy cong, kết quả cho ra thuyền đi biển nhanh và vững hơn hẳn các chiến hạm mà Đại Việt có, không phải tự nhiên mà tới cuối kỷ thời Trần Chế Bồng Nga có thể tiến ra cướp phá Thăng Long ba lần, chính là nhờ vào thuỷ quân hùng hậu...