Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 62: Hoàng đế nghèo nàn

Mười một năm trước khi triều đình còn do Thái hậu và các nhiếp chính đại thần quản lý đã từng mệnh lệnh cho các quan ở các lộ tại Nghệ An, Thanh Hoá nạo vét kênh mương ở đây. Sau khi nghe Nguyễn Vô Niệm cùng Đào Công Soạn khuyên nhủ, Lê Bang Cơ quyết tâm phải phát triển thương nghiệp.

Lê Bang Cơ nhớ lời của Nguyễn Vô Niệm trước đó, hiện tại đường cái quan vừa nhỏ vừa di chuyển khó khăn, vận chuyển hàng hoá không lớn, do đó nếu muốn phát triển thương nghiệp trước tiên chỉ có thể phát triển thuỷ đạo. Vì vậy Lê Bang Cơ mới quyết định khởi động lại công trình đường sông nội thuỷ, nạo vét kênh mương cũng như đào nhánh sông mới, nối liền những nhánh sông tự nhiên với nhau, từ đó tạo thành một hệ thống đường sông qua các lộ phủ, như vậy các thuyền buôn có thể vận chuyển hàng hoá đi qua khắp các lộ phủ của quốc gia, hàng hoá được luân chuyển vừa nhanh vừa rẻ. Thế nhưng khi mệnh lệnh này phát ra, các lộ phủ liền báo cáo lên lộ phủ không có đủ tiền lương để thực hiện một đại công trình lớn như vậy. Triều đình trung ương cũng giống như lộ, phủ, làm quái gì có tiền, vì vậy Lê Bang Cơ cảm thấy cực kỳ đau đầu.

- Tình hình các lộ báo lên như vậy, các khanh xem có cách nào giải quyết hay không? Lê Thái, khanh là Hải Tây đạo hành khiển, nắm giữ sổ sách quân dân bạ tịch nơi đó, khanh có cách nào để giải quyết?

Lê Bang Cơ trầm giọng nói, việc các địa phương tâu lên liên tục than nghèo khiến hắn vô cùng buồn bực. Lê Thái cũng tỏ vẻ khó khăn nói.

- Bệ hạ, Hải Tây đạo vốn là nơi khó khăn, mấy năm qua dân tình mới ổn định được một chút, các lộ phủ thu thuế cũng có hạn, tất cả đều nộp lên triều đình, các kho lương tại phủ lộ còn chưa được đổ đầy, nay còn phải phát động dân chúng đào kênh mương, thực sự lao dịch quá nặng, sẽ ảnh hưởng đến dân tâm.

Lê Ê cũng gật đầu nói.

- Bệ hạ lần này phát lệnh còn chưa bàn với đại thần, chưa đi qua tam sảnh thực sự quá vội vã, thần nghĩ nên thu lại thánh chỉ, tránh hao tổn sức dân.

Ở đây Lê Ê ngấm ngầm chê trách hoàng đế chuyên quyền độc đoán, không nghe lời can gián của quần thần, đó không phải là hành động của minh quân. Thực tế Bang Cơ cũng chỉ mới ban chỉ yêu cầu các lộ, phủ nạo vét kênh mương, còn chưa bảo bọn hắn đào sông, đây là việc làm thường niên liên quan đến thuỷ lợi, thế nhưng không hiểu sao năm nay các lộ, phủ hải Tây Đạo đều cùng lúc dâng bản tâu tố khổ, xin Lê Bang Cơ thu hồi thánh mệnh.

Lê Bí cũng góp lời.

- Bệ hạ, đường sông tại Thanh Hoá, Nghệ An mới tu bổ không lâu, bây giờ lại tiếp tục mở rộng thì cũng không cần thiết lắm, nếu không... tạm thời chúng ta đừng làm. Chờ khi kho lương các lộ, phủ đã đầy thì lại tiếp tục.

Lê Khang ngược lại không nói chuyện, bởi hắn biết căn nguyên của vấn đề này là bệ hạ muốn dần dần tạo điều kiện để mở rộng thương nghiệp, thế nhưng trong lúc này quyền lực chưa hoàn toàn thuộc về hoàng đế nên bệ hạ chỉ có thể che dấu mục đích của mình, chậm rãi gỡ từng nút thắt. Lê Khang không khỏi thở dài trong lòng, thực sự là thế cục hỗn loạn, quân không ra quân, thần không ra thần, hoàng đế làm việc còn phải nhìn sắc mặt của quyền thần. Lê Khang nói.

- Các vị đại nhân, thực ra vấn đề sửa trị đường sông Thanh Hoá - Nghệ An là để chuẩn bị cho tương lai điều binh.

- Điều binh? Bệ hạ định đánh Chiêm Thành lần nữa sao?

Lê Ê nghe đến động binh liền có chút hưng phấn nói. Hơn mười năm trước Đại Việt cử binh đánh đến tận kinh đô của Chiêm Thành, thế nhưng Lê Ê lại không có tham dự, vì vậy nghe đến động binh Lê Ê lòng không khỏi động, đã lâu không được ra chiến trường khiến cho tay chân hắn ngứa ngáy.

Lê Khang quá hiểu tính Lê Ê, hắn gật đầu nói.

- Một ngày Chiêm Thành chưa bình định, Đại Việt chưa thể yên ổn phía Nam. Do đó tiêu diệt Chiêm Thành là nhiệm vụ bắt buộc. Vì vậy bệ hạ lệnh cho các lộ ở Hải Tây đạo mở mang đường sông là để chuẩn bị cho kế lâu dài.

Lê Bang Cơ lập tức hiểu ý Lê Khang đang trợ giúp mình, hắn liền nói.

- Không sai, hơn nữa việc mở mang đường sông cũng là tạo phúc cho dân chúng, hiện tại đường quan quá khó đi lại, chỉ có đường sông là thuận lợi nhất, dân chúng có thể vận tải hàng hoá qua lại hai lộ, khi triều đình cần động binh cũng chỉ cần theo đường sông mà chuyển lính, bất ngờ đánh vào đất Chiêm.

Lê Ê nghe hoàng đế nói như vậy rất tâm động, quả thực nếu hoàng đế nghĩ như vậy thì đây là việc nên làm, thân là tướng cầm quân hắn hiểu rõ lợi ích khi chuyển quân bằng thuyền là như thế nào. Thế nhưng với trình độ nội chính của hắn thì thực sự hắn không thể nghĩ ra được điều gì tốt. Thực tế Lê Bang Cơ gọi Lê Ê đến cũng là vì nể mặt chứ cũng không trông mong Lê Ê có thể đưa lên cao kiến gì.

Lê Thái liền nói.

- Bẩm bệ hạ, nếu không chúng ta cũng có thể học tập Tư khấu Lê Khắc Phục, điều động người của Bách tác cục và quân ở các lộ, phủ đào sông, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều sức dân. Chỉ là quân ở các lộ, phủ cũng không nhiều, hơn nữa điều động bọn hắn theo thần ước chừng chỉ có thể chi ra trong vòng một tháng. Mà công trình này cần ít nhất là hai tháng mới có thể hoàn thành được.

Năm xưa Lê Khắc Phục vận động người Bách tác cục và quân dân ở trấn Thái Nguyên đào sông Bình Lỗ dài 2500 trượng (12,5 km) tạo ra một hệ thống sông thông với sông Bình Thang, nhờ vậy không chỉ cải thiện giao thông và hệ thống tưới tiêu trên trấn Thái Nguyên mà còn giúp cho việc chuyển quân phòng ngự mặt Bắc của triều đình từ Đông kinh lên vùng Thái Nguyên được nhanh chóng.

Thế nhưng công trình đó là sự góp sức vào của hàng chục ngàn người, trong khi rõ ràng Hải Tây đạo hiện tại không đủ sức làm việc đó, bọn hắn không thiếu người, nhưng bọn hắn thiếu lương. Lê Bang Cơ thở dài nói.

- Được rồi, các khanh lui đi, việc này Trẫm sẽ cẩn thận suy nghĩ thêm.

Các quan đại thần nhìn nhau, cuối cùng cũng đều lui ra ngoài, chỉ còn lại một mình hoàng đế.

- Nếu như có hiền đệ ở đây thì tốt quá.

Lê Bang Cơ thở dài nhìn ra mưa ở phía ngoài cửa, trời rét, lại mưa phùn, một khung cảnh xám xịt thực sự buồn chán, hắn không khỏi nhớ đến hiền đệ của mình, em trai kết nghĩa yêu quý của hắn thường xuyên có những suy nghĩ vô cùng mới mẻ, kỳ lạ có thể em trai hắn sẽ giúp hắn giải quyết vấn đề này. Lê Bang Cơ hỏi.

- La Hiên bá đi công cán Thái Nguyên vẫn chưa về hay sao?

Hôm nay đã là ngày thứ chín sau khi Nguyễn Vô Niệm rời Đông kinh, chỉ bốn ngày sau từ trấn thủ Thái Nguyên đã gửi về tin tức đoàn người của Vô Niệm gặp phục kích, thương vong rất nặng phải gửi lại thương binh tại thành Phú Bình, mấy ngày sau đó nữa liền bặt vô âm tín. Thử hỏi làm sao Lê Bang Cơ không lo lắng cho được, lúc này hắn bắt đầu hối hận vì sao lại cử hiền đệ đi đến nơi xa xôi nguy hiểm đến như vậy.

- Bẩm bệ hạ, nô tài đã sai Triệu Quế hằng ngày chờ đợi ở cửa Đông, một khi La Hiên bá trở về lập tức trở về bẩm báo.

Đào Biểu hiểu rõ tâm tình nôn nóng của bệ hạ, từ lúc tin tức La Hiên bá bị phục kích đưa trở về bệ hạ đã có chút không yên, mấy ngày qua La Hiên bá không gửi thư tín gì trở về khiến cho bệ hạ càng thêm lo lắng. Hắn cũng không khoi ganh tỵ một chút, bệ hạ đối xử với La Hiên bá thực sự quá tốt, nào có ai đi công cán mà hoàng đế lại lo lắng đến như thế.

Lúc này Đào Biểu bỗng thấy ở bên ngoài có một nội thị ra hiệu với mình, Đào Biểu liền đi ra ngoài xem xét, hoá ra ở dưới mái hiên của điện Triệu Quế toàn thân ướt nhẹp như chuột lột đã đứng đó. Đào Biểu đi đến hỏi.

- Ngươi không ở cửa Đông chờ đợi chạy trở về đây làm gì? Không biết trời đang mưa sao?

Triệu Quế trong lòng không khỏi uỷ khuất, hắn có mặc áo tơi, thế nhưng khi vào trong hoàng thành lại không được mặc, kết quả là ướt nhẹp như thế này đây. Triệu Quế nói.

- Bẩm phó chưởng, nô tài đứng ở cửa Đông nhìn thấy La Hiên bá không bị tổn thương đã trở về nên lập tức chạy trở về báo cáo.

Nghe nói La Hiên bá trở về Đào Biểu tảng đá trong lòng không khỏi đặt xuống, bệ hạ cũng không cần phải lo lắng nữa rồi, Đào Biểu đổi giọng ân cần nói.

- Thật vậy, ngươi làm tốt lắm, đi về thay quần áo nghỉ ngơi đi kẻo bệnh, ta sẽ lập tức đi bẩm báo bệ hạ!..