Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 52: Phục kích

Nguyễn Vô Niệm nhìn hai mươi kỵ sĩ giáp trụ đầy đủ, sĩ khí cao vút không khỏi hài lòng. Qua hai ngày bị hắn tuyên huấn, rõ ràng tinh thần của các binh sĩ này đã có sự biến chuyển rất lớn, ít ra bọn hắn đã không phải là những bóng ma vật vờ trong doanh trại chỉ chờ ngày đến thay phiên để được về nhà mà ít ra trên tinh thần bọn hắn đã có sự giác ngộ về nhiệm vụ của chính mình.

Thái Sung nhận lệnh đi theo Nguyễn Vô Niệm với tư cách là tuỳ tùng cũng được phối cho một con ngựa nhưng không được trang bị giáp hay vũ khí, Thái Sung cầm theo một cây gẫy gỗ, một đầu bịt sắt nhọn, nói giáo cũng không đúng, nó giống như một cây xà beng mũi nhọn hơn, đây là vũ khí mà Nguyễn Vô Niệm dạy võ cho bọn Thái Sung, kiếp trước Nguyễn Vô Niệm học nó chính từ Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Tuấn năm xưa khi đi theo bảo vệ vua Trần đã sử dụng thứ vũ khí này.

Nguyễn Vô Niệm đứng trước hai mươi kỵ binh cấm quân của sở Thiên Định nói.

- Trước khi lên đường ta muốn nói với các ngươi, lần này đi Thái Nguyên sẽ là một quãng đường xa xôi trắc trở, có nhiều nguy hiểm, chúng ta lúc này gánh trên vai chính là nhiệm vụ thiêng liêng với quốc gia, là hoàng mệnh mà bệ hạ giao cho, nếu chúng ta thất bại, vùng biên giới sẽ bất ổn, một cuộc chiến tranh nữa sẽ có thể xảy ra, sẽ càng có nhiều con dân Đại Việt sẽ phải mất mạng. Vì vậy chúng ta chỉ được thành công, không được thất bại, phải giữ tinh thần cao nhất, bảo vệ những thứ này đến được Thái Nguyên. Tất cả đã rõ chưa?

Đám đề kỵ lập tức đáp lại. Bọn hắn đều là những người muốn kiến công lập nghiệp, nếu như lần này thành công hoàn thành nhiệm vụ cũng có thể xem như là một quân công.

- Đã rõ thưa vệ uý!

Nguyễn Vô Niệm gật đầu quát lớn.

- Lên đường!

Đoàn người 21 kỵ, cộng thêm hai xe vận tải đồ quân nhu do hai con ngựa thồ kéo đi ra khỏi Hoàng thành. Trên Đoan môn Lê Bang Cơ nhìn đoàn người ngựa chậm rãi đi càng ngày càng xa, hắn vẫn nhìn thấy ở phía đầu đoàn người, một thiếu niên mặc áo vải màu xanh lam, hông đeo đao đi đằng trước. Đây chính là bước đầu tiên của Vô Niệm đi vào chính trường rộng lớn.

- Vô Niệm, hi vọng đệ đừng làm ngu huynh thất vọng.

Từ Thăng Long đi đến Thái Nguyên nói xa không xa, nhưng cũng không hề gần một chút nào, chừng gần ba trăm cây số. Trấn Thái Nguyên lúc này địa giới cũng không nhỏ như thời kỳ hiện đại mà là bao gồm địa giới của hai tỉnh Thái Nguyên và Cao Bằng, thậm chí còn có một phần địa giới của Bắc Cạn, trong đó địa điểm của Nguyễn Vô Niệm cần đến là châu Hạ Lang, là đất Hạ Tư Lãng (Lang) thời thuộc Minh, thời Trần có tên là châu Tư Lãng, đến thời Lê Sơ lại đặt tên là châu Hạ Lang, địa giới nằm trên chính đất huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng thời hiện đại. Trong kiếp làm nhà địa chất, Nguyễn Vô Niệm đạp nát lãnh thổ, đi toàn quốc cũng từng đi qua huyện này. Thế nhưng rõ ràng địa giới, địa hình của thời kỳ xa xưa và hiện đại khác nhau nhiều lắm.

Dựa theo tốc độ của đoàn người đi hiện tại, bọn hắn phải mất chừng hai ngày mới có thể đi đến được đất châu Hạ Lang, dần dần thành thị Thăng Long bị bỏ lại phía sau lưng, càng đi ra ngoại thành, đồng ruộng ngày càng xuất hiện nhiều hơn, những người nông dân chăm chỉ của Đại Việt vẫn còn đang cần cù làm việc, đồng ruộng mênh mông bát ngát, khung cảnh yên bình, thỉnh thoảng Nguyễn Vô Niệm còn nghe được những cô gái làng quê trêu ghẹo những thanh niên nông dân thật thà chất phát bằng những làn điệu dân ca.

“Yêu nhau đứng ở đằng xa

Yêu nhau đứng ở đằng xa

Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần

Anh còn son, em cũng còn son...”

Câu hát vừa hay, vừa tinh tế lại đầy nét phong tình khiến cho mấy anh nông dân thật thà ngượng đỏ cả mặt. Dân phong của người Việt là như thế đấy, thật thà, chất phát, siêng năng lại không thiếu những nét nghệ thuật tinh tế, đẹp đẽ trong từng lời ca tiếng nói. Thậm chí là lúc chửi nhau cũng có vầng có điệu, nghe như hát.

Nguyễn Vô Niệm lựa chọn đường không đi qua các phủ thành, khi gặp thành trì bọn hắn sẽ trực tiếp đi vòng qua, bởi bọn hắn là đơn vị quân đội, đi vào thành giao tiếp với quan phủ địa phương sẽ tương đối phiền phức. Tại các phủ thành dù nhìn thấy bọn hắn đi vòng phía ngoài, thế nhưng nhìn lên cờ xí thấy chữ "Lê" cũng chỉ có một toán do thám mà thôi, nhìn thấy mấy chục kỵ binh đi qua địa giới của mình bọn hắn cũng quay về. Đó chính là lý do vì sao Nguyễn Vô Niệm yêu cầu quan tư mã phải cho bảy ngày lương, nếu không bọn hắn bắt buộc phải đi vào thành để tiếp tế.

Lúc này dân số Đại Việt còn khá ít, trên dưới bảy triệu người, tập trung phần lớn ở đồng bằng Bắc bộ, còn lại ở vùng trung du, miền núi dân cư vô cùng thưa thớt, khi Nguyễn Vô Niệm đi vào địa hạt của phủ Phú Bình thì cảnh vật xung quanh đã toàn là rừng cây, quan đạo còn không có, chỉ có những con đường mòn nhỏ xíu đủ cho hai hàng ngựa đi qua, thậm chí đồng ruộng còn không còn thấy nữa, thỉnh thoảng lại nghe được tiếng sói tru từ phía bìa rừng vọng lại. Động vật hoang dã cũng có linh tính của bọn chúng, thấy đoàn người đông chúng sẽ cảm giác có nguy hiểm, rất ít khi tấn công, ngược lại nguy hiểm khi đi trên các đoạn đường sơn đạo như thế này lại là con người. Đỗ Quân Đao nói.

- Vệ uý, đoạn đường này hay có khách thương đi qua, vận chuyển hàng lên vùng biên giới buôn bán, do đó thường hay có sơn tặc, chúng ta cần phải cẩn thận một chút. Tuy nói chúng ta mang binh giáp của triều đình, thế nhưng người trên này vốn kiệt ngạo bất tuân, vì vậy chúng ta nên cẩn thận vẫn hơn.

Đỗ Quân Đao là lính cũ, có kinh nghiệm rất phong phú, Nguyễn Vô Niệm cũng nhìn trúng điểm này mà gọi hắn đi theo tuỳ tùng. Qua một ngày cùng hành quân, cùng ăn cùng ở, Nguyễn Vô Niệm cũng thu hồi lại ý kiến ban đầu của mình đối với bọn hắn, ít ra bọn hắn cũng không quá yếu như Nguyễn Vô Niệm nghĩ, hoặc nói rằng bọn hắn là những người nổi bậc trong sở Thiên Định.

Lúc này bọn hắn đã tiến vào một vô danh sơn, không có ghi chép trong bản đồ, rừng cây um tùm, quan đạo nằm ở giữa lại thấp, ở đây không giấu được nhiều quân nhưng lại thuận tiện cho sơn tặc hoạt động, quả thực là nơi phục kích rất tốt. Nguyễn Vô Niệm nói.

- Toàn quân cảnh giới, đi vào núi.

Nghe Nguyễn Vô Niệm hạ lệnh, toàn bộ bọn hắn đều lên tinh thần, bọn hắn thu gọn lại đội hình, bảo vệ Nguyễn Vô Niệm và xe hàng ở giữa, Đỗ Quân Đao đi đầu tiên, Vũ Lương bảo vệ hậu đội, thương thủ nạp sẵn đạn vào bên trong nòng súng thủ hộ hai bên xe. Đoàn người ngựa nhanh chóng đi vào trong, bọn hắn phải vượt qua được ngọn núi này càng nhanh càng tốt.

Nguyễn Vô Niệm lúc này tay đã buông cương cầm lấy cung tiễn, Phi Ảnh tự biết phải đi về phía trước mà không cần hắn điều khiển, ánh mắt hắn nhìn về phía trong rừng cây, thế nhưng vùng núi này rừng cây tương đối rậm rạp, con người thực sự nhỏ bé so với nó, chỉ cần cố ý ẩn tàng một chút, chỉ nhìn qua tuyệt đối không thể phát hiện được, thậm chí đứng bên cạnh mà chúng được nguỵ trang kỹ muốn phát hiện cũng rất khó.

Không ổn, khu rừng này quá yên tĩnh. Bọn hắn di chuyển với tốc độ cao, tạo ra âm thanh rất lớn, đáng lẽ nếu như vậy thì chim chóc làm tổ hai bên đường phải hoảng sợ mà bay lên, hoặc ít ra phải kêu vài tiếng, thế nhưng lúc này lại không có gì cả. Ánh mắt của Nguyễn Vô Niệm ngước nhìn lên một ngọn cây cách đó chừng năm mươi mét chợt nhíu lại, hắn dường như thấy được cái gì đó, dường như là một màu nâu khác biệt với cỏ cây bên đường vào tháng ba vốn vô cùng tươi tốt. Không hề do dự Nguyễn Vô Niệm quát lớn.

- Có phục kích!

Bang!'

Sau đó ngay lập tức cung tiễn giương lên phóng thẳng về phía đó, một thạch cung vang lên một tiếng lớn, mũi lang tiễn lao vút về phía bụi cây.

Ở trong bụi không ai khác chính là một đám tử sĩ do Lê Ê phái đi, nhiệm vụ của bọn hắn là tổ chức phục kích đoàn người của Vô Niệm, đánh cho bọn hắn lăn lộn trở về lại kinh thành, vốn dĩ kế hoạch của bọn hắn là phục kích tại vô danh sơn, nằm mai phục hai bên, giết vài tên cấm quân để hù doạ, nhìn thấy thiệt hại lớn, tên bá tước nông dân tuyệt đối sẽ sợ hãi mà bỏ chạy.

Thế nhưng điều bọn hắn không ngờ đến chính là bọn hắn còn chưa kịp hành động thì tên bá tước kia lại phát hiện ra bọn hắn trước, một mũi lang tiễn phong thẳng về phía một tên tử sĩ. Tên tử sĩ cũng là tinh nhuệ, vừa thấy Nguyễn Vô Niệm buông tay cung hắn lập tức nhảy ra khỏi bụi cây, mũi tên bắn hụt đi. Thế nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc phục kích đã bị bại lộ, chỉ huy của đám tử sĩ quát lớn.

- Giết!..